lenh-mp-la-gi (3)

Lệnh MP là gì? Cách đặt lệnh MP trong mua bán chứng khoán.

Trước khi tiến hành đặt lệnh mua bán chứng khoán bạn cần nắm được khái niệm về các loại lệnh, mục đích, ý nghĩa cũng như cách sử dụng các loại lệnh đó cho linh hoạt, tránh việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” đặt không đúng lệnh để rồi “ngậm đắng, nuốt cay”. Vậy trong giao dịch chứng khoán có những loại lệnh nào bạn cần biết?

Trả lời: có 04 loại lệnh mà bạn cần nắm được trước khi tiến hành giao dịch, đó là:

  • Lệnh LO (lệnh giới hạn)
  • Lệnh ATO
  • Lệnh ATC
  • Lệnh MP

Ở bài viết này mình sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc: “lệnh MP là gì?” mục đích, ý nghĩa và cách thức hoạt động của lệnh MP trong giao dịch.

Bạn có thể xem thêm:

Lệnh MP là gì?

MP là tên viết tắt của cụm từ “Market Price” (theo giá thị trường)

Vậy, Lệnh MP (Market Price) là lệnh thị trường, hay nói cách khác là lệnh mua-bán chứng khoán tại giá tốt nhất theo giá thị trường hiện tại (tức là mua tại mức giá bán thấp nhất hoặc bán tại mức giá mua cao nhất theo giá thị trường hiện tại)

lenh-mp-la-gi (1)
Lệnh thị trường (Market Price)

Ví dụ:

Ngày 13/4/2021 mình đặt lệnh MP để mua 1000 cổ phiếu FPT, thì tại thời điểm mình đặt lệnh mua sẽ có những mức giá đặt bán của bên bán tương ứng với khối lượng bán lần lượt như sau:

  • 80.000 đồng – khối lượng 500 cổ phiếu (tức có 500 cổ phiếu đồng ý bán ở mức giá 80.000 đồng/cp); 
  • 80.100 đồng – khối lượng 2000 cổ phiếu (2000 cổ phiếu đồng ý bán ở mức giá 80.100 đồng/cp); 
  • 80.200 đồng – khối lượng 4000 cổ phiếu (tương tự);

Nếu như mình đặt lệnh MP để mua 1000 cổ phiếu FPT thì 500 cổ phiếu đầu tiên mình mua sẽ khớp ở giá 80.000 đồng/cổ phiếu500 cổ phiếu còn lại sẽ khớp ở giá 80.100 đồng/cổ phiếu.

Nguyên tắc hoạt động của lệnh MP

lenh-mp-la-gi (1)
Lệnh MP hoạt động như thế nào?

Lệnh MP có một số nguyên tắc hoạt động cơ bản sau đây:

– Lệnh MP có thể khớp lệnh gộp nhiều bước giá, cụ thể:

  • Nếu khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn chưa được thực hiện hết thì lệnh MP sẽ được khớp ở mức giá bán cao hơn hoặc lệnh bán tại mức giá mua thấp hơn tiếp theo hiện có trên thị trường (như ví dụ mình mua cổ phiếu FPT ở trên)
  • Nếu khối lượng đặt lệnh của MP vẫn còn và không thể tiếp tục khớp được nữa thì lệnh MP sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn mua tại mức giá cao hơn một bước giá (đối với trường hợp mua), hoặc lệnh giới hạn bán tại mức giá thấp hơn một bước giá (đối với trường hợp bán)
  • Trường hợp giá thực hiện cuối cùng là giá trần đối với lệnh MP mua hoặc giá sàn đối với lệnh MP bán thì lệnh MP sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn mua tại giá trần hoặc lệnh giới hạn bán tại giá sàn

– Lệnh MP sẽ được thực hiện ngay khi được nhập vào hệ thống nếu có lệnh LO (lệnh giới hạn) đối ứng. Ví dụ mình đặt lệnh MP để mua cổ phiếu FPT theo mức giá thị trường, thì lệnh sẽ được thực hiện khi có lệnh giới hạn đặt bán ở các mức giá xác định như 80.000 đồng, 80.100 đồng…

– Lệnh MP chỉ được thực hiện trên sàn HOSE và chỉ trong phiên khớp lệnh liên tục.

– Lệnh MP sẽ tự hủy nếu không có lệnh đối ứng tại thời điểm nhập lệnh vào hệ thống.

Xem thêm: Quỹ ETF là gì? Cách kiếm lợi nhuận từ quỹ ETF (đầu tư thụ động)

Nguyên tắc khớp lệnh đối với lệnh MP

Cũng giống như nguyên tắc khớp lệnh đối với lệnh LO, ATO và ATC đều được thực hiện khớp lệnh theo nguyên tắc ưu tiên về giáưu tiên về thời gian. Cụ thể như sau:

lenh-atc-la-gi (2)
Các lệnh được khớp theo nguyên tắc ưu tiên về giá và ưu tiên về thời gian

– Ưu tiên về giá:

+ Đối với lệnh mua: Mua ở mức giá cao hơn sẽ được ưu tiên khớp lệnh trước

+ Đối với lệnh bán: Bán ở mức giá thấp hơn sẽ được ưu tiên khớp lệnh trước

– Ưu tiên về thời gian: Khi các lệnh mua hoặc bán có cùng mức giá đặt lệnh thì lệnh nào được nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên khớp lệnh trước.

Sự khác nhau giữa lệnh MP và lệnh LO, ATO, ATC

lenh-mp-la-gi (2)
Phân biệt lệnh MP và lệnh ATO, ATC, LO

Mình biết có bạn thường nhầm lẫn giữa lệnh MP và lệnh LO, ATO, ATC nên mình sẽ giúp bạn phân biệt các loại lệnh này theo cách đơn giản nhất.

Phân biệt lệnh MP và lệnh LO

Điểm cơ bản mà bạn có thể phân biệt giữa lệnh MP và lệnh LO là về mức giá khớp lệnh và thời gian khớp lệnh:

– Lệnh MP là lệnh mua bán tại mức giá tốt nhất theo giá thị trường hiện tại, lệnh MP được ưu tiên khớp trước lệnh LO tại mức giá tốt nhất theo giá thị trường

– Lệnh LO là lệnh mua bán tại mức giá xác định hoặc tốt hơn (mức giá xác định đó)

Phân biệt lệnh MP và lệnh ATO, ATC

Mặc dù đều là lệnh tranh mua, tranh bán và được thực hiện ưu tiên khớp lệnh trước lệnh LO (lệnh giới hạn). Nhưng điểm khác biệt giữa lệnh MP và lệnh ATO, ATC là về thời điểm thực hiện khớp lệnh:

– Lệnh MP chỉ được thực hiện trong phiên khớp lệnh liên tục

– Lệnh ATO và ATC được thực hiện khớp lệnh lần lượt tại thời điểm giá mở cửa và giá đóng cửa (hay nói cách khác là lệnh được khớp định kỳ tại thời điểm mở cửa và đóng cửa của chu kỳ giao dịch)

Xem thêm: Đòn bẩy tài chính là gì? Cách dùng tiền của người khác để kiếm lời

Ưu điểm, nhược điểm của lệnh MP

ban-khong-la-gi (7)
ban-khong-la-gi (6)

Lệnh MP cũng giống như lệnh LO, ATO và ATC đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định:

Ưu điểm: 

  • Lệnh MP phù hợp với các nhà đầu tư trong giai đoạn đua lệnh, thể hiện rằng bạn muốn khớp lệnh bằng mọi giá trong phiên khớp lệnh liên tục, bạn sẽ sàng mua bán mà không quan tâm về giá.
  • Lệnh MP cho phép nhà đầu tư muốn mua đuổi khi chắc chắn rằng cổ phiếu sẽ tăng giá
  • Lệnh MP còn cho phép nhà đầu tư muốn bán tháo khi chắc chắn cổ phiếu đó sẽ giảm giá
  • Lệnh MP khá thuận tiện cho nhà đầu tư khi chỉ cần đưa ra khối lượng mua hoặc bán, không cần ghi ra mức giá cụ thể và được thực hiện ưu tiên trước lệnh lệnh LO

Nhược điểm: Vì lệnh MP là lệnh mua bán theo mức giá hiện tại của thị trường nên khi đặt lệnh MP bạn sẽ không kiểm soát được mức giá mua hay bán cụ thể, có thể bạn sẽ phải mua ở mức giá cao và bán tại mức giá thấp trong 1 phiên giao dịch. Vì vậy bạn cần xác định mục đích đặt lệnh của mình là gì? trước khi đặt lệnh MP nhé.

Xem thêm: Bán khống là gì? Tại sao không có tài sản mà vẫn bán được?

Lời kết:

Trên đây là tất cả những gì bạn cần biết về lệnh MP. Để có thể giao dịch linh hoạt thì bạn cần phải nắm được kiến thức và thực hiện thành thạo các loại lệnh trong giao dịch chứng khoán gồm: lệnh LO, ATO, ATC và MP. Và bạn cũng cần phải xác định mục đích đặt lệnh của mình là gì trước khi sử dụng các loại lệnh trên. Bạn có thể tham khảo mục đích khi đặt lệnh của mình như sau:

  • Nếu như muốn mua nhanh, bán gọn tại thời điểm đầu chu kỳ giao dịch (tức không cần quan tâm đến giá, mà chỉ muốn khớp lệnh càng nhanh càng tốt) thì mình lựa chọn lệnh ATO
  • Nếu như muốn mua bán nhanh gọn tại thời điểm cuối chu kỳ giao dịch thì mình lựa chọn lệnh ATC
  • Muốn mua bán tại mức giá đã xác định trước thì mình lựa chọn lệnh LO
  • Còn muốn mua nhanh bán gấp (hay mua đuổi, bán tháo) trong phiên khớp lệnh liên tục thì mình lựa chọn lệnh MP

Việc xác định mục đích cũng cần căn cứ vào hoàn cảnh thị trường, điều này đòi hỏi bạn cần có kiến thức nền tảng vững chắc về cách xác định thời điểm mua bán chứng khoán, các đọc hoàn cảnh thị trường, cách lựa chọn các loại cổ phiếu tốt để đầu tư. Nếu như chưa tìm ra, bạn có thể tham khảo khóa học đầu tư chứng khoán cơ bản mà mình giới thiệu qua link bên dưới nhằm giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng vẫn đạt được chất lượng hiệu quả. Click qua link bên dưới để được giảm giá 40%.

5/5
5/5