Qua bài viết tổng quan, bạn đã nắm được Chỉ số tài chính là gì? Được sử dụng với mục đích gì? Và có bao nhiêu loại chỉ số tài chính quan trọng trong đầu tư chứng khoán.
Và bài viết hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến bạn Chỉ số tài chính đầu tiên, đó là: Gross Margin – Tỷ suất lợi nhuận gộp
Vậy Gross Margin là gì? Mục đích, ý nghĩa, công thức tính và ứng dụng của Gross Margin trong đầu tư chứng khoán là gì? Xem nhanh Gross Margin của doanh nghiệp ở đâu? Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết bên dưới nhé!
Chỉ số tài chính #1: Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross Margin)
Nội dung chính:
Để hiểu Gross Margin là gì, chúng ta hãy xem một ví dụ minh họa sau đây!
Bạn sẽ chọn ly sinh tố nào?
Có 2 ly sinh tố dưới đây:
→ Ly thứ nhất: chứa ít trái cây, nhiều bào đá.
→ Ly thứ hai: chứa nhiều trái cây, ít bào đá
Bạn sẽ thích chọn ly nào hơn?
↓ ↓ ↓
Câu trả lời: Chắc hẳn bạn sẽ chọn ly thứ hai, bởi nó bổ dưỡng và nhiều sinh tố hơn đúng không?
Tương tự như trong kinh doanh:
Ly sinh tố tượng trưng cho DOANH THU THUẦN của doanh nghiệp, được cấu tạo bởi 2 thành phần:
1. Giá vốn bán hàng (chi phí) ⇔ phần bào đá
2. Lợi nhuận gộp ⇔ phần trái cây
Như vậy, trong kinh doanh công ty nào có tỷ lệ lợi nhuận gộp càng cao thì chứng tỏ công ty đó có sức cạnh tranh tốt hơn và được đánh giá cao hơn.
→ Xem thêm: ROE là gì? Cách tính, ý nghĩa và ứng dụng của ROE
Vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp (hay gross margin) là gì?
Ly sinh tố = Phần đá bào + Phần trái cây
Tương tự:
Doanh thu thuần = Giá vốn bán hàng (chi phí) + Lợi nhuận gộp
Vậy tỷ suất lợi nhuận gộp → chính là tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần của doanh nghiệp, hay được tính bằng công thức:
Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross Margin) = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần.
Tỷ suất lợi nhuận gộp còn có những tên gọi khác như:
- Tỷ suất lãi gộp
- Lợi nhuận gộp biên
- Tỷ suất lãi biên
Thực hành: Thử tài phân tích lợi nhuận gộp giữa A và B
Bạn thử phân tích tích tỷ suất lợi nhuận gộp giữa A và B, xem bên nào kinh doanh hiệu quả hơn?
A và B mỗi người mở một quán Cafe
– A mua nguyên liệu tại quần tạp hóa tại nhà với chi phí 5 triệu đồng/tháng
– B liên hệ nhiều đại lý phân phối nguyên liệu cafe (để mua với giá gốc) tốn 3 triệu đồng/tháng
– Doanh thu mỗi tháng của cả A và B đều là 20 triệu đồng
Vậy theo bạn, ai kinh doanh hiệu quả hơn?
↓ ↓ ↓
Câu trả lời:
Dựa vào chi phí và doanh thu → chúng ta có thể tính ra lợi nhuận gộp của A và B, như sau:
♦ Lợi nhuận gộp của A: 20 triệu (doanh thu) – 5 triệu (chi phí nguyên liệu) = 15 triệu ⇒ Gross Margin của A = 15/20
♦ Lợi nhuận gộp của B: 20 triệu (doanh thu) – 3 triệu (chi phí nguyên liệu) = 17 triệu ⇒ Gross Margin của B = 17/20
⇒ Gross Margin (B) > Gross Margin (A)
Như vậy bạn có thể thấy Gross Margin của B cao hơn của A ⇒ B kinh doanh hiệu quả hơn A.
Bởi vì: B có thể hạ được chi phí nhưng vẫn đạt doanh thu bằng A
→ Xem thêm: ROA là gì? Công thức tính, ý nghĩa và ứng dụng của ROA
Vì sao bạn nên chọn công ty có tỷ suất lợi nhuận càng cao càng tốt
Tỷ suất lợi nhuận càng cao thì mức độ an toàn trong kinh doanh càng lớn, bởi:
1. Tỷ suất này cao → chứng tỏ doanh nghiệp có nguồn cung cấp tốt, hoặc có biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả;
2. Có thể đương đầu với sự gia tăng chi phí (lạm phát) khi giá nguyên liệu (xăng, dầu, đường, cao su…) tăng đột biến;
3. Có thể tiến hành giảm giá bán để cạnh tranh với đối thủ, dễ dàng dành được thị phần;
4. Có nhiều tiền để chi cho các khoản quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển sản phẩm… → giúp thúc đẩy doanh số bán hàng
Làm thế nào để phân tích tỷ suất lợi nhuận gộp?
Có 2 cách để bạn có thể phân tích tỷ suất lợi nhuận gộp như sau:
Cách thứ nhất: So sánh tỷ suất này qua các năm (các quý) → để phát hiện điểm bất thường.
Ví dụ: Công ty cổ phần sữa Vinamilk năm ngoái có tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 20%, năm nay công ty thay thế vị trí lãnh đạo có giám đốc mới, tỷ suất này tăng lên 40%. Nhiều khả năng giám đốc mới (lãnh đạo mới) là người có năng lực điều hành, quản lý tốt hơn, có chiến lược kinh doanh tốt hơn giám đốc cũ.
Cách thứ 2: So sánh tỷ suất này với các công ty cùng ngành → để xem công ty nào đang chiếm ưu thế hơn.
Ví dụ:
– Công ty A có tỷ lợi nhuận gộp là 20%
Công ty B có tỷ suất này là 35%
Nếu công ty nào có tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn đối thủ thì sẽ rất khó cạnh tranh được với cách công ty cùng ngành.
Tra cứu nhanh tỷ suất lợi nhuận gộp ở đâu?
Để xem nhanh tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty, bạn làm theo các bước sau:
– Bước 1: Bạn vào trang Cafef.vn
– Bước 2: Nhập mã cổ phiếu của công ty bạn muốn tra cứu
– Bước 3: Kéo xuống mục “Chỉ số tài chính“. Gross Margin được thống kê qua 4 năm gần nhất, ký kiệu là GOS (như hình bên dưới)
Nhìn vào bảng thống kê tóm gọn này, bạn có thể so sánh được tỷ suất lợi nhuận gộp qua các năm (hoặc các quý) của một công ty, hoặc so sánh tỷ số này với các doanh nghiệp khác cùng ngành.
*Bạn kéo lên một chút ở phần “HỒ SƠ CÔNG TY” để chọn xem theo quý, theo năm hay lũy kế 6 tháng
– Bước 4: Bạn kéo xuống mục “Đánh giá hiệu quả” ở cuối trang, để xem biểu đồ “Doanh thu thuần – Lợi nhuận gộp – Tỷ suất LN gộp” (hàng cuối, thứ 2, từ trái sang phải) như hình bên dưới.
Yếu tố tác động đến Biên lợi nhuận gộp là gì?
Tùy từng ngành sẽ có những yếu tố tác động khác nhau đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Ví dụ:
♦ Thực phẩm: Vinamilk sẽ chịu tác động bởi giá nguyên liệu. Biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ giảm nếu giá nguyên liệu bột sửa tăng cao. Ngược lại nếu giá nguyên liệu giảm → Biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ được cải thiện.
♦ Thép: Cũng chịu tác động bởi giá nguyên liệu quặng sắt, và giá thép thế giới.
♦ Thủy sản: Chịu ảnh hưởng bởi yếu tố nguồn cung và tỷ giá ngoại tệ USD/VND.
♦ …
→ Xem thêm: Tỷ giá ngoại tệ USD/VND tăng: Nên mua cổ phiếu nào?
Giải thích thêm về tỷ suất lợi nhuận gộp
Có độc giả hỏi rằng: “Khi so sánh doanh nghiệp với nhau, vì sao không so sánh số tiền mà lại so sánh tỷ suất (%)?”
↓ ↓ ↓
Trả lời:
Khi so sánh tỷ suất sẽ sắp xếp tất cả các doanh nghiệp trên cùng một thang đo (là tỷ số %) → điều này sẽ phản ánh chính xác hơn năng lực kinh doanh (bất chấp quy mô) của mỗi Công ty.
Trước khi quyết định mua cổ phiếu của một công ty, điều đầu tiên các nhà đầu tư sẽ quan tâm sẽ là:
→ Doanh nghiệp đó có làm ăn hiệu quả không?
→ Tương lai của doanh nghiệp đó ra sao?
Lời kết
Gross margin hay tỷ suất lợi nhuận gộp là một trong những chỉ số tài chính quan trọng đối với nhà đầu tư khi lựa chọn cổ phiếu, Chỉ số này phản ánh sức bền hay sức cạnh tranh của một doanh nghiệp với những doanh nghiệp khác cùng ngành.
Để có thể phát triển bền lâu thì doanh nghiệp cần phải có tỷ suất này tốt, nếu không sẽ sớm bị đào thải khỏi cuộc chơi kinh doanh không ngừng chạy đua về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm…
Tóm lại qua bài viết bạn cần nắm được tỷ suất lợi nhuận gộp là gì. Và biết cách phân tích tỷ suất lợi nhuận gộp (như hướng dẫn ở trên) để chọn ra được doanh nghiệp tốt hơn.
Tỷ suất này TĂNG qua các năm → Chứng tỏ doanh nghiệp kiểm soát chi phí ngày càng tốt, lợi nhuận tăng → điều này rất tốt cho giá cổ phiếu trong tương lai.
Hoặc khi so sánh 2 doanh nghiệp cùng ngành bạn nên chọn doanh nghiệp có tỷ suất này CAO HƠN → Bởi doanh nghiệp đó sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn.
♦ Bài viết tiếp theo: ROS là gì? Công thức tính, ý nghĩa và ứng dụng của ROS.