von-chu-so-huu-la-gi (11)

Vốn chủ sở hữu là gì? Ý nghĩa của vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp

Bài viết này mình sẽ phân tích để bạn hiểu rõ về vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp, đây cũng là thắc mắc của tương đối nhiều bạn, mặc dù qua phần Chỉ số tài chính (trong Mô-đun 3) mình cũng đã nhắc đến.

Vậy, Vốn chủ sở hữu là gì? Vốn chủ sở hữu được cấu tạo từ những thành phần nào? Sự khác nhau giữa “vốn chủ sở hữu” và “vốn điều lệ” nằm ở đâu?…Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Để dễ dàng hình dung về “vốn chủ sở hữu là gì” mình kể bạn nghe một câu truyện như sau:

Câu chuyện mở quán cà phê

A và B cùng xem chương trình cafe sáng trên ti vi, thấy việc kinh doanh sau đại dịch Covid-19 là rất có triển vọng, nên mỗi người quyết định bỏ ra 100 triệu để mở quán cà phê của riêng mình, tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ mới biết:

von-chu-so-huu-la-gi (3)

– A đi vay ngân hàng toàn bộ 100 triệu để mở quán

– B đi rút khoản 40 triệu tiết kiệm của mình và về nhà huy động của bố mẹ, anh chị em (cổ đông) được thêm 30 triệu, số tiền 30 triệu còn lại B đi vay ngân hàng để có đủ 100 triệu mở quán.

von-chu-so-huu-la-gi (4)

Theo bạn thì ai là người kinh doanh khôn ngoan hơn?

Câu trả lời:

– A là người bốc đồng và nhìn mọi thứ theo màu hồng mà không cân nhắc đến tính rủi ro trong kinh doanh, nên đã đi vay toàn bộ số tiền 100 triệu để mở quán.

– B là người chịu khó học hỏi nên mỗi bước đi trong kinh doanh đều thận thận trọng, rút kinh nghiệm từ những sai lầm của người khác nên B sử dụng số tiền tiết kiệm sẵn có của mình và sử dụng một số đòn bẩy tài chính khác (huy động từ bố mẹ và vay ngân hàng) một cách an toàn. 

B là người sử dụng vốn trong kinh doanh khôn ngoan hơn A

Nhìn ở góc độ tổng tài sản thì cả A và B là bằng nhau (mỗi người 100 triệu) nhưng xét về cơ cấu tài sản thì:

♦ Vốn chủ sở hữu của A là 0 đồng, vốn nợ là 100 triệu đồng

♦ Vốn chủ sở hữu của B là 70 triệu đồng, vốn nợ là 30 triệu.

Qua câu chuyện minh họa trên, liệu bạn đã hình dung ra vốn chủ sở hữu là gì chưa?

Vậy, vốn chủ sở hữu (equity) là gì?

Định nghĩa: Vốn chủ sở hữu (Equity) là phần tài sản thuần của doanh nghiệp, thuộc sở hữu của cổ đông.

von-chu-so-huu-la-gi (5)

Nếu như đã đọc bài viết: “Chỉ số tài chính #4: ROA là gì? Công thức tính, ý nghĩa và ứng dụng của ROA” thì hẳn là bạn đã biết đến một công thức:

Tài Sản (Asset) = Vốn (Equity) + Nợ (Debt)

Hay nói cách khác: Vốn chủ sở hữu là phần còn lại sau khi lấy tổng tài sản trừ đi nợ phải trả. Là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong các công ty cổ phần ((như ở ví dụ minh họa trên là B và bố mẹ, anh chị em của B chính là các cổ đông, hay thành viên góp vốn)

von-chu-so-huu-la-gi (6)

Các chủ sở hữu góp vốn để cùng nhau tiến hành một hoạt động sản xuất, kinh doanh và cùng chia sẻ lợi nhuận tạo ra từ các hoạt động này của doanh nghiệp cũng như cùng gánh chịu những khoản lỗ nếu kinh doanh không có lãi.

Vốn chủ sở hữu là một trong những nguồn vốn quay vòng, tài trợ thường xuyên trong công ty. Chỉ khi nào công ty ngừng hoạt động hoặc phá sản, lúc này công ty phải dùng tài sản của đơn vị, trước hết ưu tiên thanh toán cho các khoản nợ, sau đó tài sản còn lại mới chia cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ vốn góp của họ.

Vốn chủ sở hữu gồm những thành phần nào?

von-chu-so-huu-la-gi (7)
Các thành phần cấu tạo nên vốn chủ sở hữu

Chúng ta vẫn thường thấy sự có mặt của vốn chủ sở hữu trong các bản báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gồm các thành phần sau:

von-chu-so-huu-la-gi (1)

1. Vốn cổ phần

2. Giá trị cổ phiếu quỹ

3. Chênh lệch quy đổi tiền tệ

4. Quỹ đầu tư phát triển

5. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

6. Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Trong những nguồn trên thì thặng dư vốn cổ phầncổ phiếu quỹ chỉ áp dụng cho các công ty cổ phần.

– Thặng dư vốn cổ phần: là phần chênh lệch giữa giá thị trường của cổ phiếu và giá phát hành của cổ phiếu, chênh lệch giữa giá mua lại và giá tái phát hành cổ phiếu quỹ. Ví dụ mệnh giá cổ phiếu của công ty A là 10.000 VND. Giá thị trường của cổ phiếu công ty A là 20.000 VND. Công ty A phát hành 15.000 cổ phiếu ra thị trường. Phần thặng dư vốn cổ phần = 15.000*20.000 – 15.000*10.000 = 150.000.000 VND.

– Cổ phiếu quỹ: Là cổ phần mà chính công ty phát hành ra cổ phiếu đó đang nắm giữ hoặc mua lại cổ phần của chính mình và không hủy bỏ cổ phần đó thì số cổ phần này sẽ được coi là cổ phiếu quỹ.

Xem thêm: Chỉ số P/E là gì? Vì sao chỉ số P/E lại rất được các đầu tư quan tâm?

Sự khác nhau giữa “vốn chủ sở hữu” và “vốn điều lệ” trong công ty

“Vốn điều lệ” là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi trong Điều lệ công ty. Vốn góp ở đây có thể là tiền, ngoại tệ, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh, công nghệ hoặc tài sản khác Vốn điều lệ là cơ sở để công ty phân chia lợi nhuận cũng như rủi ro đối với các thành viên góp vốn trong công ty.

Còn vốn chủ sở hữu là tất cả số vốn thuộc về cổ đông. Được cấu thành từ Vốn cổ phần (vốn điều lệ), Lợi nhuận chưa phân phối, và các nguồn khác.

von-chu-so-huu-la-gi (1)

Phân biệt “vốn chủ sở hữu” và “vốn hóa thị trường”

Đầu tiên, Vốn hóa thị trường là gì?

Hiểu đơn giản thì…

…Vốn hóa thị trường là số tiền bỏ ra mua toàn bộ vốn cổ phần của một doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, nó là một đặc điểm quan trọng để giúp các nhà đầu tư xác định rủi ro cũng như lợi nhuận trong cổ phiếu của một công ty.

Công thức tính:

Vốn hóa (Equity Value) = Giá của 1 cổ phiếu x Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

Lấy ví dụ Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)

von-chu-so-huu-la-gi (13)

Giá đóng cửa của VNM 2/4/2021 là: P = 102.700 đồng

Số lượng cổ phiếu lưu hành: KLCP = 2.089.956.345 cổ phiếu (hay còn gọi là Khối lượng cổ phiếu)

Khi đó vốn hóa của VNM là:

P * KLCP = 102.700  x 2.089.956.345 = 211.085.590.000 đồng (hay 211.085 tỷ đồng)

Vốn hóa là căn cứ để đánh giá quy mô của doanh nghiệp và bị phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu sẽ có sự biến động theo thời gian.

Còn vốn chủ sở hữu lại là căn cứ tính toán giá trị thực của doanh nghiệp vì nó không phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu.

Cách định giá doanh nghiệp

Giá trị của doanh nghiệp (Enterprise Value – EV) là đại diện cho toàn bộ giá trị kinh tế của công ty. Thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẽ phải trả để mua toàn bộ một công ty hay doanh nghiệp.

Hay nói cách khác…

Giá trị của doanh nghiệp là giá phải bỏ ra để mua toàn bộ vốn cổ phần (gồm vốn chủ sở hữu và nợ vay) của doanh nghiệp. Và thường được tính toán trong trường hợp mua lại một công ty.

Mục đích việc tính EV là:

Để bết doanh nghiệp đó đáng giá bao nhiêu tiền

So sánh doanh nghiệp đó với các doanh nghiệp khác

Công thức tính đơn giản của EV:

EV = Vốn hóa thị trường + tổng nợ – tiền và các khoản tương đương tiền

Ví dụ:  VNM có vốn hóa (như ở trên) là 211.085 tỷ đồng

von-chu-so-huu-la-gi (10)

Giá trị doanh nghiệp của VNM = 211.085 + 14.968 – 2.665 = 223.388 tỷ đồng

Vốn chủ sở hữu tăng, giảm khi nào?

von-chu-so-huu-la-gi (10)
Vốn chủ sở hữu giảm

Vốn chủ sở hữu giảm khi gặp các trường hợp sau:

1. Doanh nghiệp phải hoàn trả vốn góp cho chủ sở hữu vốn;

2. Cổ phiếu phát hành thấp hơn mệnh giá;

3. Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động; 

4. Phải bù lỗ cho hoạt động kinh doanh theo quy định của các cấp thẩm quyền; 

5. Hủy bỏ cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần).

Vốn chủ sở hữu giảm thể hiện điều gì?

– Là một nguồn vốn của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu giảm sẽ khiến cho số vốn đầu tư của doanh nghiệp ít đi. Quy mô sản xuất có thể bị thu hẹp

– Khi đó, muốn duy trì hoạt động sản xuất, bắt buộc doanh nghiệp sẽ phải đi vay nợ. Nợ vay nhiều sẽ dẫn tới mất cân đối tài chính.

Như bạn đã biết…

Hàng năm, vốn chủ sở hữu sẽ được bổ sung bằng nguồn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận này để tái đầu tư.

Vốn chủ sở hữu tăng

Vốn chủ sở hữu tăng khi gặp các trường hợp sau:

1. Chủ sở hữu góp thêm vốn

2. Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp, từ các quỹ thuộc vốn của chủ sở hữu

3. Cổ phiếu phát hành cao hơn mệnh giá

4. Giá trị của quà biếu, tài trợ, tặng trừ đi thuế phải nộp là số dương và được các cấp thẩm quyền cho phép ghi tăng Vốn chủ sở hữu

Lời kết

Như vậy, qua bài viết trên bạn đã nắm được:

  • Khái niệm “vốn chủ sở hữu” là gì.
  • Những thành phần cấu tạo nên vốn chủ sở hữu.
  • Phân biệt được sự khác nhau giữa vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ và vốn hóa thị trường.
  • Cách tính giá trị (định giá) doanh nghiệp.
  • Vốn chủ sở hữu tăng giảm khi nào.

♦ Bài viết tiếp theo: Cổ tức là gì? Hướng dẫn cách để nhận được cổ tức?