Ros-la-gi (1b)

ROS là gì? Công thức tính, ý nghĩa và ứng dụng của ROS.

Bài viết trước bạn đã tìm hiểu về Gross Margin (hay tỷ suất lợi nhuận gộp). Bài viết này mình sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn Chỉ số tài chính tiếp theo, đó là: ROS (Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu)

Vậy ROS là gì? Mục đích, ý nghĩa, công thức tính và ứng dụng của ROS trong đầu tư chứng khoán là gì? Xem nhanh ROS của doanh nghiệp ở đâu? Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết bên dưới nhé!

Để dễ dàng hình dung về ROS là gì, mình sẽ tiếp tục lấy một ví dụ minh họa sau:

Câu chuyện kinh doanh quán Cafe

A và B mỗi người mở một quán Cafe với doanh thu mỗi quán là 20 triệu/tháng:

Ở bài trước: A đã mua nguyên liệu bột cafe ở tạp hóa gần nhà với chi phí 5 triệu/tháng; trong khi đó B lựa chọn mua sỉ ở đại lý với giá 3 triệu/tháng.

Nhưng lần này A nhận thấy mình mua nguyên liệu với quá quá cao, nên đã qua hỏi B và đã rút kinh nghiệm mua ở đại lý, kết quả là A cũng cắt giảm chi phí nguyên liệu xuống giá 3 triệu/tháng (như B)

Như vậy lúc này:

♦ Doanh thu (A) = Doanh thu (B) = 20 triệu

♦ Giá vốn (A) = Giá vốn (B) = 3 triệu

Tuy nhiên, tình hình quản lý nhân sự của 2 quán là không giống nhau:

ros-la-gi (1)

A thuê 2 nhân viên làm chính, mỗi tháng trả lương, tổng cộng hết 4 triệu đồng

B thuê 3 sinh viên thay nhau làm bán thời gian, mỗi tháng trả lương tổng cộng hết 3 triệu đồng

Vậy theo bạn, ai kinh doanh hiệu quả hơn???

   ↓  ↓  ↓

Câu trả lời:

Mặc dù doanh thu của mỗi quán đều bằng nhau là 20 triệu/tháng, nhưng về tổng chi phí của mỗi quán thì:

♦ Tổng chi phí (A) gồm: 3 triệu đồng (nguyên liệu-giá vốn bán hàng) + 4 triệu đồng (lương nhân viên-chi phí quản lý DN) = 7 triệu đồng ⇒ Lợi nhuận (A): 13 triệu ⇒ ROS (A): 13/20

♦Tổng chi phí (B) gồm: 3 triệu đồng (nguyên liệu-giá vốn bán hàng) + 3 triệu đồng (lương nhân viên-chi phí quản lý DN) = 6 triệu đồng Lợi nhuận (B): 14 triệu ⇒ ROS (B): 14/20

Như vậy, tổng chi phí của B nhỏ hơn của A ⇒ B kinh doanh hiệu quả hơn A

Bởi: B kiểm soát chi phí quản lý doanh nghiệp (sử dụng nhân sự) tốt hơn A

ros-la-gi (2)

Vậy, ROS là gì?

ROS là tên viết tắt của cụm từ “ Return On Sales”, hay còn gọi là tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu thuần của doanh nghiệp

ROS được tính bằng cách: Lấy lợi nhuận ròng (lợi nhuận sau thuế) ÷ doanh thu thuần, hay:

ROS = Lợi nhuận ròng ÷ Doanh thu thuần

ros-la-gi (4)

Các tên gọi khác và tên gọi bằng tiếng anh của ROS:

  • Tỷ suất sinh lời của doanh thu
  • Tỷ suất sinh lời trên doanh thu
  • Hệ số lãi ròng
  • Return on sales
  • Operating income margin
  • Operating profit margin
  • Net margin
  • Operating margin

ROS ở bài này có khác gì Gross Margin (ở bài trước)?

Về cơ bản, ở doanh nghiệp cả 2 tỷ suất này càng cao thì càng tốt.

Tuy nhiên điểm khác biệt của 2 tỷ số này mà bạn có thể phân biệt là

♦ Gross Margin (Lợi nhuận gộp/Doanh thu): Cho ta biết rằng doanh nghiệp có quản lý chi phí nguyên liệu (giá vốn) có tốt hay không.

♦ Còn ROS (Lợi nhuận/Doanh thu): Là để đánh giá nghệ thuật và hiệu quả của Chủ doanh nghiệp (hay Ban lãnh đạo) trong việc kiểm soát và tối ưu:

Chi phí nguyên liệu (giá vốn);

Chi phí quản lý doanh nghiệp;

Doanh thu tài chính;

Chi phí tài chính.

⇒ ROS cao chứng tỏ doanh nghiệp đang trả lãi vay ngân hàng thấp, và có doanh thu tài chính cao (nhờ mang tiền đi đầu tư hiệu quả)

⇒ ROS cao còn chứng tỏ công ty đang kiểm soát chi phí bán hàng tốt (marketing, quảng cáo, khuyễn mãi…) và chi phí trả lương nhân viên.

ROS của doanh nghiệp nên đạt tối thiểu bao nhiêu thì là tốt?

Không có một con số cụ thể quy định giá trị tối thiểu của ROS, cũng giống như Gross Margin, bạn nên dùng ROS để so sánh các công ty cùng ngành với nhau, hoặc tăng trưởng ROS của Công ty qua các năm (các quý).

Ví dụ: So sánh các công ty trong ngành thép từ năm 2017 – 2019:

  • Hòa Phát (HPG) có ROS lần lượt qua các năm là: 9,5% – 6,9% – 5,9%
  • Hoa Sen (HSG) có ROS  lần lượt qua các năm là: 1,6% -2,1% – 3,8%
  • Nam Kim (NKG) có ROS  lần lượt qua các năm là: 5,2% – 4,1% – 0,4%

Như vậy ta thấy:

  • Hòa Phát là công ty có ROS cao nhất trong toàn ngành.
  • Hoa Sen có ROS thấp hơn, nhưng tăng đều qua các năm
  • Nam Kim thì có ROS giảm dần qua các năm..

Vậy, khi lựa chọn cổ phiếu để đầu tư thì bạn nên chọn Hòa PhátHoa Sen vì 2 công ty này có tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tốt nên cổ phiếu sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.

Xem thêm: Cổ tức là gì? Hướng dẫn cách để nhận được cổ tức?

Phân tích ROS như thế nào?

Cũng giống như phân tích Gross Margin, bạn cũng nên phân tích ROS theo 2 cách như sau:

Cách 1: So sánh tỷ số này qua các năm, các quý để phát hiện điểm bất thường.

ros-la-gi (5)

Ví dụ

– Năm 2019, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có ROS là 20%

– Năm 2020, ROS của công ty này đã tăng lên 30%, đó là nhờ PNJ đã từ bỏ đa ngành (từng đầu tư bất động sản thua lỗ) để tập trung vào một lĩnh vực duy nhất là kinh doanh trang sức.

Cách 2: So sánh tỷ số này với các Công ty khác cùng ngành để xem Công ty nào đang chiếm ưu thế hơn

ros-la-gi (6)

Ví dụ: Doanh nghiệp A, B, C, D  là các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất và kinh doanh Cafe

  • ROS công ty A là 15%
  • ROS công ty B là: 20%
  • ROS công ty C là 25%
  • ROS công ty D là 18%

⇒ Công ty C có lợi thế cạnh tranh cao hơn các Công ty còn lại

*Công ty nào có tỷ số này thấp hơn đối thủ thì rất khó cạnh tranh được với các công ty cùng ngành nghề.

Xem thêm: Chỉ số P/E là gì? Vì sao chỉ số P/E lại rất được các đầu tư quan tâm?

Tra cứu nhanh ROS ở đâu?

Để xem nhanh chỉ số ROS của các Công ty niêm yết bạn làm theo các bước sau:

– Bước 1: Bạn truy cập trang Cafef.vn

ros-la-gi (3)

– Bước 2: nhập mã cổ phiếu của công ty bạn muốn tra cứu

ros-la-gi (2)

– Bước 3: Kéo xuống mục “Chỉ số tài chính“. ROS được thống kê qua 4 năm gần nhất (như hình bên dưới)

ROS-la-gi (1a)
Ví dụ: ROS của Vinamilk

Nhìn vào bảng thống kê tóm gọn này, bạn có thể so sánh được ROS qua các năm (hoặc các quý) của một Công ty, hoặc so sánh tỷ số này với các Công ty khác cùng ngành.

*Bạn kéo lên một chút ở phần “HỒ SƠ CÔNG TY” để chọn xem theo quýtheo năm hay lũy kế 6 tháng

– Bước 4: Bạn kéo xuống mục “Đánh giá hiệu quả” ở cuối trang, để xem biểu đồ “Tổng thu – LN ròng – Tỷ suất lợi nhuận ròng (%)” (hàng cuối, thứ nhất, từ trái sang phải)

ros-la-gi (1)
Giải thích thêm:

Một nhân viên với mức lương 20 triệu/tháng, nhưng chỉ để dành được 2 triệu mỗi tháng, thì ROS của nhân viên đó chỉ là 10% (2/20)

Lý do là do anh ta tiêu xài hoang phí, ăn nhậu quá nhiều, khiến số tiền còn lại chẳng là bao. Kết quả là vợ anh ta không hài lòng chút nào.

Tương tự, một doanh nghiệp, cổ đông không thể hài lòng nếu ROS quá thấp.

Lời kết

ROS là một trong những chỉ số tài chính quan trọng, phản ánh nghệ thuật quản trị của chủ doanh nghiệp, khả năng kiểm soát các chi phí và năng lực đầu tư của một công ty, Ngoài ra, chỉ số này giúp ta so sánh được tính hiệu quả và tiềm năng phát triển trong tương lai của các công ty cùng ngành, từ đó có thể chọn ra những công ty tốt hơn để đầu tư.

Tóm lại, áp dụng ROS trong đánh giá một doanh nghiệp bạn cần so sánh:

♠ ROS của Công ty có TĂNG TRƯỞNG qua các năm hay không.

⇒ Bởi nếu câu trả lời là chỉ số này tăng đều qua các năm chứng tỏ Công ty kiểm soát các loại chi phí ngày càng tốt, hiệu quả đầu tư cao, năng lực quản lý điều hành của Ban lãnh đạo ngày càng được cải thiện giá cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai

♠ ROS của Công ty bạn nghiên cứu có CAO HƠN các Công ty khác cùng ngành hay không.

⇒ Bởi ROS cao hơn chứng tỏ Công ty có sức cạnh tranh tốt với các Công ty khác cùng ngành giúp doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khiến giá cổ phiếu được kỳ vọng nhiều hơn.

♦ Bài viết tiếp theo: ROE là gì? Cách tính, ý nghĩa và ứng dụng của ROE

Bình luận bằng facebook
40