Nếu như Chỉ số ROS (Return on Sales) giúp ta đánh giá được nghệ thuật quản lý và kiểm soát chi phí của doanh nghiệp. Thì Chỉ số ROE (Return on Equity) sẽ cho ta thấy năng lực sử dụng đồng vốn để tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp đó.
Vậy ROE là gì? Mục đích, ý nghĩa và ứng dụng của chỉ số ROE trong đầu tư chứng khoán là gì? Xem nhanh chỉ số ROE ở đâu?… Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Chỉ số tài chính #3: ROE (Tỷ suất lợi nhuận ròng trên Vốn chủ sở hữu)
Nội dung chính:
Để biết ROE là gì. Bạn hãy cùng xem câu chuyện dưới đây:
Câu chuyện kinh doanh quán Cafe
A và B mỗi người mở một quán cà phê. Trong đó:
♦ A bỏ ra số vốn là 50 triệu
♦ B bỏ vốn là 30 triệu
Sau một tháng, kết quả kinh doanh của cả 2 quán đều đạt lợi nhuận là 14 triệu, tức:
Tháng 1: Lợi nhuận (A) = Lợi nhuận (B) = 14 triệu
Vậy, theo bạn thì ai kinh doanh hiệu quả hơn?
Câu trả lời là: Mặc dù A và B cùng tạo ra một mức lợi nhuận như nhau. Nhưng A sử dụng số vốn là 50 triệu, còn B chỉ sử dụng số vốn là 30 triệu.
Tức, B sử dụng số vốn ít hơn A, nhưng vẫn tạo ra kết quả bằng với A
⇒ Như vậy B kinh doanh hiệu quả hơn.
Vậy, ROE là gì?
ROE là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Return On Equity, hay còn gọi là tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu.
ROE được tính bằng cách lấy LỢI NHUẬN RÒNG (lợi nhuận sau thuế) chia cho VỐN CHỦ SỞ HỮU (vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp và các thành viên hoặc cổ đông trong Công ty)
Ý nghĩa của ROE: ROE là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra đã tạo ra bao nhiêu đồng lời, ROE cho ta biết một Công ty sử dụng vốn của cổ đông có tốt (hiệu quả) hay không.
Ứng dụng ROE trong đầu tư chứng khoán:
♦ Khi bạn phân vân mua cổ phiếu của 1 trong 2 Công ty thì hãy chọn công ty nào có ROE cao hơn, vì Công ty đó đang sử dụng vốn của cổ đông tốt hơn → nên giá của cổ phiếu đó cũng nhiều tiềm năng hơn.
♦ Hoặc khi đánh giá một Công ty, bạn cần xem ROE của Công ty đó có tăng qua các năm không?. Nếu ROE tăng trưởng qua các năm, chứng tỏ Công ty sử dụng vốn ngày càng hiệu quả, thu về được nhiều lợi nhuận hơn → Giá cổ phiếu được kỳ vọng nhiều hơn.
Phân tích ROE
Câu hỏi: Chỉ số ROE cao và tăng lên qua các năm thì có ý nghĩa gì?
Trả lời: Chỉ số ROE cao và tăng lên hằng năm sẽ phản ánh:
→ Doanh nghiệp đang sử dụng và quản lý nguồn vốn một cách hiệu quả.
→ Doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển tốt, phản ánh tiềm năng tăng trưởng mạnh
→ Doanh nghiệp cân đối hài hòa giữa tiền vốn cổ đông và tiền vay nợ (vì nếu không cân đối, nợ vay nhiều thì sẽ phải trả lãi làm giảm lợi nhuận của Công ty)
ROE nên đạt tối thiểu là bao nhiêu thì tốt?
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia “lão làng” về đầu tư, thì các công ty mạnh thường có Chỉ số ROE đạt trên 20%
Tra cứu nhanh ROE ở đâu?
Để xem nhanh ROE của các doanh nghiệp, bạn hãy làm theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang Cafef.vn, nhập mã cổ phiếu của công ty bạn muốn tra cứu, click tìm kiếm → ấn “Enter“
Bước 3: Kéo xuống mục “Chỉ số tài chính“. ROE được thống kê qua 4 năm gần nhất (như hình bên dưới)
Nhìn vào bảng thống kê tóm gọn này, bạn có thể so sánh được ROE qua các năm (hoặc các quý) của một Công ty, hoặc so sánh tỷ số này với các Công ty khác cùng ngành.
*Bạn kéo lên một chút ở phần “HỒ SƠ CÔNG TY” để chọn xem theo quý, theo năm hay lũy kế 6 tháng
Bước 4: Bạn kéo xuống mục “Đánh giá hiệu quả” ở cuối trang, để xem biểu đồ “Vốn chủ sở hữu – LN ròng – ROE (%)” (như hình bên dưới)
Ví dụ về cổ phiếu có ROE cao nhất và thấp nhất
Dưới đây là ví dụ về cổ phiếu của một số doanh nghiệp có ROE cao nhất và thấp nhất.
– Cổ phiếu có ROE cao nhất: NCS, SGN, MAS, SAS, CIA…
– Cổ phiếu có ROE thấp nhất: TRI (ROE = -45,84%)
*Ví dụ chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cần phân tích cơ bản để chọn cổ phiếu tốt và phân tích kỹ thuật để chọn thời điểm mua bán thích hợp.
Lời kết
ROE là một chỉ số tài chính quan trọng, phản ánh việc doanh nghiệp sử dụng vốn có hiệu quả hay không.
Ở góc độ nhà đầu tư chỉ số này giúp:
– Nhà đầu tư so sánh mức độ tiềm năng cổ phiếu của các công ty cùng ngành → nhằm chọn ra được cổ phiếu của Công ty tốt hơn.
– Đánh giá sự tăng trưởng của một Công ty qua các thời kỳ (quý hoặc năm).
Như vậy bài viết đã giải thích một cách cô đọng về ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn). Hy vọng rằng bài viết sẽ hữu ích với bạn.
♦ Bài viết tiếp theo: ROA là gì? Công thức tính, ý nghĩa và ứng dụng của ROA