→ Bài viết trước: [HD chi tiết] Cách sử dụng chỉ báo RSI trong chứng khoán
Mây Ichimoku trong chứng khoán là một chỉ báo kỹ thuật nâng cao (khá cồng kềnh và phức tạp với người mới). Nhưng đây lại là phương pháp phân tích kỹ thuật có độ chính xác cao và cho cái nhìn tổng quan hơn về thị trường so với các chỉ báo kỹ thuật khác. Bài viết này mình sẽ cố gắng giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất để người mới cũng có thể hiểu và áp dụng được.
Về cơ bản, bạn chỉ cần sử dụng 7 chỉ báo ở những bài trước là đã đủ để phân tích kỹ thuật trong chứng khoán. Tuy nhiên, nếu muốn cải thiện độ chính xác trong việc dự đoán xu hướng giá cổ phiếu, thì bạn cũng nên biết cách sử dụng chỉ báo ichimoku.
Vậy Mây Ichimoku là gì? Cách vẽ Ichimoku như thế nào? Chiến lược áp dụng Ichimoku trong mua-bán chứng khoán ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về mây Ichimoku
Ichimoku là gì?
Ichimoku Kinko Hyo, thường được gọi là “Ichimoku”, là một chỉ báo kỹ thuật được xây dựng dựa trên biểu đồ nến và các đường trung bình giá, dùng để dự báo xu hướng biến động của giá
Ichimoku được phát triển vào cuối những năm 1930 bởi Satoru Hosoda – một nhà báo, phóng viên của tờ Metropolitan. Sau gần 40 năm nghiên cứu và xây dựng, ông đã xuất bản nó vào năm 1968.
Ý nghĩa của Ichimoku
Cái tên Ichimoku Kinko Hyo, theo tiếng Nhật có ý nghĩa như sau:
- Ichimoku: có nghĩa là “Trong nháy mắt” hay “Một cái nhìn thoáng qua”
- Kinko: là Cân bằng
- Hyo: là Biểu đồ.
Vậy chúng ta có thể hiểu ý nghĩa tổng thể của cái tên này là: “Sự cân bằng của biểu đồ trong nháy mắt” hay “Một cái nhìn thoáng qua về sự cân bằng của biểu đồ” nhằm xác định xu thế sắp tới và thời điểm ra/vào hợp lý.
Ichimoku là một hệ thống dự đoán xu hướng dựa trên đường trung bình động (Moving Average). Biểu đồ sử dụng Ichimoku chứa nhiều dữ liệu hơn so với một biểu đồ thông thường, chính vì thế nó giúp chúng ta nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về hành động giá.
Cấu tạo cơ bản của Ichimoku
Cấu tạo của Ichimoku có 3 thành phần cơ bản sau đây:
*(Còn một số thành phần khác nữa, nhưng bạn chưa cần quan tâm)
1. Đám mây: Là thành phần nổi bật nhất của Ichimoku
Đám mây trong tiếng Nhật là “Kumo”
Nguyên tắc cơ bản của “đám mây ichimoku” trong phân tích kỹ thuật chứng khoán là:
♦ Nếu giá đang cao hơn đám mây → thì giá có thể tăng nữa
♦ Nếu giá đang thấp hơn đám mây → thì giá có thể sẽ giảm tiếp
♦ Nếu giá đang nằm bên trong đám mây → thị trường không có xu hướng rõ ràng (đi sideway trong biên độ của “đám mây”). Nhà đầu tư không nên thực hiện bất kỳ giao dịch nào khi giá đang nằm trong vùng này. Mà nên đợi cho đến khi giá vượt lên cao hơn (hoặc xuống thấp hơn) đám mây.
♠ Nếu đám mây dày → Thị trường giao dịch rất sôi nổi.
♠ Ngược lại, nếu đám mây mỏng → Thị trường giao dịch ảm đạm
Tóm lại: “Đám mây là vùng không gian u ám, mà khi giá lọt vào bên trong nó (nơi mức giá cân bằng – thị trường gần như không có xu hướng rõ ràng) → khiến tình hình sắp tới không thể dự đoán được. Giống như khi ta đi vào cung đường mây mù bao phủ, không thấy rõ đường, đi tiếp là rất nguy hiểm.
2. Đường Kijun-Sen: Đường xu hướng
*Kijun-sen là tên tiếng Nhật
♦ Kijun-Sen chính là điểm trung bình của giá cao nhất và giá thấp nhất trong 26 ngày giao dịch
→ Nối các điểm Kijun-sen lại với nhau → ta đường Kijun-sen
Công thức tính: Kijun-Sen = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất) / 2, được tính cho 26 phiên.
Ví dụ: Trên biểu đồ ngày (D1) có 26 cây nến liên tiếp nhau (26 phiên giao dịch), theo thứ tự từ 1,2, 3 …, 26. Thì ta sẽ thấy có cây nến mang giá cao nhất và cây nến mang giá thấp nhất.
Lúc này ta lấy: (giá cây nến cao nhất + giá cây nến thấp nhất) / 2 → ta được giá trung bình tại điểm Kijun-sen.
Nối các điểm Kijun-sen này lại với nhau ta được đường Kijun-sen
3. Đường Tenkan-Sen: Đường tín hiệu
Tương tự Kijun-Sen…
♦ Tenkan-Sen là điểm trung bình của giá cao nhất và giá thấp nhất trong 9 ngày giao dịch
→ Nối các điểm Tenkan-Sen lại với nhau → ta đường Tenkan-sen
Công thức tính: Tenkan-Sen = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất) / 2, được tính cho 9 phiên.
Ví dụ: Trên biểu đồ ngày (D1) có 9 cây nến liên tiếp nhau (9 phiên giao dịch), theo thứ tự từ 1,2, 3 …, 9. Ta sẽ thấy có cây nến mang giá cao nhất và cây nến mang giá thấp nhất.
Lúc này ta lấy: (giá cây nến cao nhất + giá cây nến thấp nhất) / 2 → ta được giá trung bình tại điểm Tenkan-sen.
Nối các điểm Tenkan-sen này lại với nhau ta được đường Tenkan-sen
Tóm lại là:
- Kijun-sen: là trung bình của Đỉnh và Đáy trong 26 ngày
- Tenkan-sen: là trung bình của Đỉnh và Đáy trong 9 ngày
*Ichimoku do người Nhật phát minh, nên Kijun-sen và Tenkan-sen là gọi theo tiếng Nhật.
Cũng là đường trung bình của giá, nhưng Kijun-sen và Tenkan-sen khác với đường trung bình MA ở chỗ:
– Đường Kijun-sen và Tenkan-sen: Là trung bình của Đỉnh và Đáy trong 26 ngày và 9 ngày (tức là đường nối các điểm trung bình của mỗi 26 ngày và 9 ngày lại với nhau ta được đường Kijun-sen và Tenkan-sen) → Vì thế nên đồ thị bị gấp khúc (do các điểm nối không được mau)
– Đường trung bình MA: Ví dụ đường trung bình MA20: là trung bình giá trong 20 phiên liên tiếp (tức đường nối các điểm trung bình đỉnh và đáy của từng cây nến trong 20 phiên liên tiếp) → Vì thế mà đồ thị của đường MA cong và mượt hơn (do các điểm nối mau hơn nhiều)
Cách vẽ Ichimoku trên biểu đồ kỹ thuật
Để vẽ Ichimoku nhanh và đơn giản nhất bạn làm như sau:
Bước 1: Truy cập vào biểu đồ kỹ thuật của TradingView.com (trên máy tính hoặc app tradingview trên di động) → chọn cổ phiếu muốn xem → bấm vào biểu tượng mở chỉ báo:
Bước 2: Bạn gõ “Ichimoku” vào ô tìm kiếm → chọn “Mây Ichimoku” (nếu để ngôn ngữ của TradingView là tiếng anh thì chọn “Ichimoku Cloud”)
Ta được biểu đồ thêm chỉ báo Ichimoku như sau:
Ta thấy trong xu hướng tăng giá của cổ phiếu HPG:
♦ Đường giá cổ phiếu vượt lên trên “Đám mây”
♦ Đường Tenkan-sen (đường tín hiệu) nằm trên đường Kijun-sen (đường xu hướng)
*Giống với đường MA20 nằm trên đường MA50 trong xu hướng tăng của cổ phiếu
→ Xem thêm: Đường xu hướng là gì? Cách vẽ đường xu hướng trên biểu đồ chứng khoán
Chiến lược mua-bán cổ phiếu bằng Ichimoku
Ichimoku cho tín hiệu mua-bán thế nào?
♦ Bạn nên MUA khi đường Tenkan-sen cắt lên trên đường Kijun-sen (như hình trên), tương tự như điểm cắt vàng.
Ngoài ra, để an toàn hơn thì bạn nên đợi giá vượt lên trên “đám mây” → Như vậy thì xu hướng tăng mới thực sự chắc chắn.
♦ Bạn nên BÁN khi đường Tenkan-sen cắt xuống dưới đường Kijun-sen (như hình dưới), tương tự như điểm cắt chết.
Ngoài ra, để chắc chắn xu hướng giảm thì bạn nên đợi giá vượt hẳn xuống dưới “đám mây”
Tóm lại:
– Tín hiệu MUA cổ phiếu cần kết hợp 2 yếu tố: “Giá đi qua điểm cắt vàng” và “Giá cao hơn đám mây”
– Tín hiệu BÁN cũng cần kết hợp 2 yếu tố: “Giá đi qua điểm cắt chết” và “Giá thấp hơn đám mây”
→ Xem thêm: Cách sử dụng Đường MACD trong chứng khoán
Kết Luận
Qua bài viết mình đã cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất về Ichimoku để người mới bắt đầu cũng có thể hiểu được. Về cơ bản nguyên tắc mua bán dựa vào chỉ báo Ichimoku cũng không khác với các chỉ báo về điểm cắt vàng, MACD… là mấy.
Nhưng Ichimoku giúp ta có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường, giúp nhà đầu tư nhận định thị trường một cách thuận tiện và chính xác hơn.
Hi vọng những kiến thức trên sẽ hữu ích với bạn. Hãy thường xuyên theo dõi Blog để học thêm những kiến thức mới về đầu tư chứng khoán mỗi ngày nhé!
♦ Bài viết tiếp theo: Có nhiều chỉ báo kỹ thuật như vậy! Nên tập trung xem chỉ báo nào?