→ Xem lại bài viết trước: Chiến lược MUA – BÁN cổ phiếu theo VN-Index (thời điểm #18)
Lãi suất ngân hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán. Lãi suất sẽ quyết định dòng tiền nên đổ vào kênh đầu tư nào để sinh lời hiệu quả hoặc tránh rủi ro.
Vậy, Lãi suất ngân hàng sẽ tác động như thế nào đến Chứng Khoán? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Thời điểm 19: Lãi suất ngân hàng TĂNG/GIẢM
Nội dung chính:
Nếu lãi suất ngân hàng giảm mạnh, thì chứng khoán sẽ ra sao?
Câu hỏi: Nếu Ngân hàng giảm mạnh lãi suất, thì chứng khoán sẽ tăng hay giảm?
Trả lời: Lãi suất giảm mạnh → thì chứng khoán sẽ tăng!
Có 2 lý do:
1. Đối với nhà đầu tư: Lãi suất thấp → khiến nhà đầu tư không gửi tiết kiệm nữa, mà đổ tiền sang chứng khoán có lãi cao hơn.
2. Đối với Công ty: Lãi suất thấp → giúp giảm bớt gánh nặng trả lãi vay ngân hàng, điều này góp phần giúp lợi nhuận tăng.
⇒ Như vậy, cả 2 yếu tố trên sẽ thúc đẩy chứng khoán tăng điểm.
→ Xem thêm: Đòn bẩy tài chính là gì? Cách dùng tiền của người khác để kiếm lời
Ngân hàng kiếm tiền từ đâu?
Ngân hàng kiếm tiền bằng cách vay tiền từ người dân với lãi thấp → rồi cho công ty vay với lãi suất cao → và ăn phần chênh lệch.
VD:
Người dân gửi tiết kiệm ở ngân hàng, với lãi suất tiết kiệm là 7%/năm.
Ngân hàng cho Công ty vay tiền làm ăn hoặc cho vay tiêu dùng với lãi suất 9%/năm.
Như vậy → Ngân hàng ăn chênh lệch số tiền là 2%/năm.
Lãi suất ngân hàng tăng mạnh: Chứng khoán sẽ thế nào?
Câu hỏi: Nếu ngân hàng tăng mạnh lãi suất, thì chứng khoán sẽ tăng hay giảm?
Trả lời: Lãi suất tăng mạnh → thì chứng khoán sẽ giảm.
Có 2 lý do:
1. Đối với nhà đầu tư: Khi lãi suất ngân hàng tăng mạnh → thì nhà đầu tư cảm thấy gửi tiết kiệm có lợi hơn → nhà đầu tư sẽ bán bớt cổ phiếu để chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng.
2. Đối với Công ty: Lãi suất tăng → sẽ gây áp lực trả lãi vay nhiều hơn → khiến lợi nhuận của Công ty bị bào mòn → điều này kìm hãm kết quả kinh doanh → khiến giá cổ phiếu khó tăng.
⇒ Cả 2 yếu tố trên sẽ làm nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán → lực mua chứng khoán yếu đi → khiến thị trường giảm điểm.
Xem thông tin tăng giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng mới nhất ở đâu?
Để xem thông tin tăng/giảm lãi suất và tăng trưởng tín dụng nhanh nhất, bạn làm như sau:
Bước 1: Truy cập trang Cafef.vn → tại ô tìm kiếm (lề bên phải) chọn “Tin tức” → gõ “Lãi suất” → ấn “Tìm kiếm” (như hình bên dưới)
Bước 2: Xem tin tức mới nhất về tăng/giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
→ Xem thêm: Tỷ giá ngoại tệ USD/VND tăng: Nên mua cổ phiếu nào?
Lý thuyết dòng tiền: Càng bơm thì càng bùng nổ
Câu hỏi: Ngân hàng tăng giảm lãi suất để làm gì? Cứ giữ nguyên như vậy không được à?
Trả lời: Ngân hàng bơm tiền ra nền kinh tế, cũng giống như người nông dân điều hòa lượng nước vào hồ cá.
- Nước quá ít thì bơm thêm vào.
- Nước quá nhiều thì siết chặt vòi, để giảm bớt lại.
Khi mực nước quá thấp thì cá thiếu nước để bơi: Ngân hàng cần phải bơm tiền ra, bằng cách hạ lãi suất để kích thích doanh nghiệp vay tiền, phát triển kinh doanh và đầu tư.
Khi mực nước lên quá cao thì có nguy cơ trào ra: Gọi là “vỡ đê”, tức là lượng tiền sinh ra quá nhiều → sẽ phát sinh rủi ro bong bóng kinh tế (bất động sản vỡ tung, nợ xấu không thể thu hồi, lạm phát tăng…) → Lúc đó, ngân hàng cần phải kìm hãm dòng tiền bằng cách siết tín dụng và tăng lãi suất để hút tiền về, hạn chế bơm tiền ra.
Quy trình điều hòa dòng tiền sẽ xảy ra như sau:
Ngân hàng bơm tiền ra nền kinh tế → hạ lãi suất thật mạnh → kích thích dòng tiền gửi tiết kiệm → chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Dòng tiền chảy vào càng mạnh → Chứng khoán càng tăng điểm → Bất động sản cũng tăng nóng.
Khi giới đầu cơ đẩy bất động sản lên quá cao → thì ngân hàng siết chặt tín dụng vào bất động sản → để tránh vỡ bong bóng, tránh ảnh hưởng chung đến nền kinh tế.
⇒ Như vậy, việc tăng giảm lãi suất chính là việc điều hòa dòng tiền chảy vào thị trường, giữ cho nền kinh tế ổn định và phát triển đi lên.
Tăng trưởng tín dụng & siết chặt tín dụng
Thêm một yếu tố nữa bạn cần quan tâm đó là: Tăng trưởng tín dụng.
Tín dụng tăng trưởng, hiểu đơn giản là: Độ tăng số tiền cho vay qua các năm.
VD: Ngân hàng A có tín dụng hàng năm là 8%, tức là:
♦ Năm 2020: Giả sử ngân hàng A được phép cho vay hạn mức đến 100 tỷ.
♦ Năm 2021: Ngân hàng A sẽ được phép cho vay là 100 tỷ + 100 tỷ x 8% = 108 tỷ.
Ngân hàng nhà nước là “vua”, có quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại nhỏ khác tuân thủ hạn mức cho vay cố định trong 1 năm. Vì nếu cho vay quá nhiều sẽ phát sinh rủi ro nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi).
Khi nợ xấu tăng quá cao, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Ngân hàng nhỏ siết chặt tín dụng, tức là bóp chặt dòng chảy của tiền, để hạn chế nợ xấu → Kết quả là: Thị trường chứng khoán hụt hơi, quay đầu giảm điểm.
Kết luận
Hiểu rõ được cơ chế tăng giảm lãi suất sẽ giúp bạn tìm ra thời điểm mua bán chứng khoán hợp lý nhất, tránh được những rủi ro mua khi thị trường giảm điểm và bán khi thị trường tăng điểm.
Hãy thường xuyên theo dõi blog để học hỏi những kiến thức thú vị về đầu tư chứng khoán mỗi ngày.
♦ Bài viết tiếp theo: Hiệp định kinh tế tác động gì đến Chứng khoán Việt Nam?