diem-cat-vang-la-gi (2)

Điểm cắt vàng là gì? Áp dụng thế nào trong đầu tư chứng khoán?

Bài viết trước: Cách xác định các ngưỡng HỖ TRỢ & KHÁNG CỰ trên biểu đồ chứng khoán

Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một chỉ báo kỹ thuật mới (không kém phần quan trọng so với 3 loại chỉ báo ở những bài trước), không chỉ giúp bạn xác định xu hướng giá trên biểu đồ một cách vô cùng đơn giản, mà còn chỉ cho bạn chính xác đâu là điểm mua-bán cổ phiếu lý tưởng.

Và chỉ báo hôm nay mình muốn giới thiệu đến bạn chính là ĐIỂM CẮT VÀNG & ĐIỂM CẮT CHẾT. Vậy 2 điểm cắt này là gì? Có gì đặc biệt, và áp dụng thế nào trong phân tích kỹ thuật chứng khoán? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!

Câu chuyện chi tiêu của một gia đình

Có 1 đôi vợ chồng trẻ, anh chồng kinh doanh một quán cafe.

diem-cat-vang-la-gi (3)

Mỗi tháng thu nhập được bao nhiêu thì anh chồng đều đưa hết tiền cho cô vợ. Cô vợ dùng số tiền đó để chi tiêu mua sắm trong gia đình.

Như vậy:

  • Anh chồng là người thu tiền về
  • Cô vợ là người chi tiền ra

Tình hình thu – chi tài chính của gia đình này được biểu diễn bằng biểu đồ sau:

diem-cat-vang-la-gi (6)
Thu nhập - chi tiêu > 0

Đường màu xanh biểu thị đường thu nhập của anh chồng;

Đường màu vàng cam biểu thị đường chi tiêu của cô vợ;

Cột màu xanh lá cây biểu thị tiền để dành ra trong tháng (tức: thu nhập – chi tiêu > 0)

Cột màu đỏ biểu thị số tiền bị âm trong tháng (thu không bù nổi chi: thu nhập – chi tiêu <0)

♦ Nếu tháng nào số tiền anh chồng kiếm được lớn hơn số tiền cô vợ chi ra để mua sắm cho gia đình → thì gia đình sẽ có tiền để dành (tức lấy thu nhập – chi tiêu > 0). Khi đó đường thu nhập (màu xanh) sẽ vượt lên trên đường chi tiêu (màu cam)

tiền để dành ra được càng nhiều thì cột màu xanh lá cây (hướng lên phía trên) sẽ càng xanh đậm càng cao (về phía trên).

diem-cat-vang-la-gi (1)
Thu nhập - chi tiêu < 0

♦ Ngược lại, tháng nào số tiền anh chồng kiếm được ít hơn số tiền cô vợ chi ra → thì gia đình sẽ có tiền để dành bị âm (tức thu không bù nổi chi). Trên biểu đồ, đường thu nhập (màu xanh) sẽ giảm xuống dưới đường chi tiêu (màu cam)

Tương tự, số tiền bị âm càng nhiều thì cột màu đỏ (hướng xuống dưới) sẽ càng đỏ đậm càng dài (về phía dưới).

Tóm lại:

Nếu đường thu nhập cắt lên trên đường chi tiêu → thì tại điểm cắt lên → gia đình bắt đầu có tiền để dành.

Nếu đường thu nhập cắt xuống dưới đường chi tiêu → thì tại điểm cắt xuống → gia đình không đủ tiền tiêu.

Điểm cắt vàng & điểm cắt chết là gì?

Điểm cắt vàng: Là vị trí đường này cắt lên trên đường kia (giống như đường thu nhập cắt lên đường chi tiêu) Báo hiệu giá hình thành một xu hướng tăng mới.

diem-cat-vang-la-gi (4)
Ví dụ thực tế ĐIỂM CẮT VÀNG trên biểu đồ kỹ thuật

Ví dụ thực tế về điểm cắt vàng khi đường MA20 cắt lên đường MA50. Sau điểm cắt vàng → giá đã hình thành xu hướng tăng.

Ngược lại với điểm cắt vàng là “điểm cắt chết”.

Điểm cắt chết: Là vị trí đường này cắt xuống dưới đường kia → Báo hiệu bắt đầu một xu hướng giảm mới.

diem-cat-vang-la-gi (5)
Ví dụ thực tế ĐIỂM CẮT CHẾT trên biểu đồ kỹ thuật

Ví dụ thực tế về điểm cắt chết, khi đường MA20 cắt xuống đường MA50 Sau điểm cắt chết → Giá đi vào xu hướng giảm

Xem thêm: Đường Trung bình MA là gì? Cách sử dụng đường Trung bình MA

Áp dụng điểm cắt vàng và điểm cắt chết trong đầu tư chứng khoán

Điều gì xảy ra khi đường MA ngắn hạn vượt lên đường MA trung hạn (hoặc dài hạn)?

Như ở bài viết trước, mình đã giới thiệu đến bạn 3 đường trung bình MA đại diện cho 3 xu hướng của giá: Ngắn hạn (MA20); trung hạn (MA50); và dài hạn (MA100).

Dựa vào các đường MA kể trên, thì chúng ta có thêm một cách nữa để xác định xu hướng tăng/giảm của sóng đó chính là xem vị trí tương quan giữa 2 đường trung bình ngắn hạn (MA20) trung hạn (MA50). Cụ thể:

1. Nếu đường MA20 vượt lên trên đường MA50 (nghĩa là MA20 > MA50) → thì giá có xu hướng đi lên (Sóng lên)

diem-cat-vang-la-gi (4)

Bạn nên đặt lệnh MUA ngay tại điểm cắt vàng để đón đầu con sóng tăng

2. Nếu MA20 cắt xuống dưới đường MA50 (nghĩa là MA20 < MA50) thì báo hiệu giá đã hết giai đoạn tăng, có thể đảo chiều đi xuống hoặc đi ngang (Sideway) trong giai đoạn sau đó.

diem-cat-vang-la-gi (5)

Bạn nên đặt lệnh BÁN ngay tại điểm cắt chết khi sóng bắt đầu đi vào xu hướng giảm.

Tóm lại:

  • MA20 cắt lên MA50 → báo hiệu nên MUA
  • MA20 cắt xuống MA50 → báo hiệu nên BÁN

Xem thêm: Đường xu hướng là gì? Cách vẽ đường xu hướng trên biểu đồ chứng khoán

Kết luận

Như vậy, bằng những kiến thức đã học về đường trung bình MA, bạn có thể vẽ 2 đường trung bình MA20MA50 trên biểu đồ kỹ thuật của một cổ phiếu bất kỳ và tìm ra những điểm cắt vàng, điểm cắt chết của 2 đường trung bình này. Sau đó tiến hành mua-bán cổ phiếu theo theo quy tắc:

  • Điểm cắt vàng cho tín hiệu mua
  • Điểm cắt chết cho tín hiệu bán

Note: 2 loại điểm cắt này được áp dụng đối với đường trung bình MA và đường MACD (sẽ hướng dẫn ở bài viết sau).

Bài viết hôm nay kết thúc tại đây. Hãy thường xuyên theo dõi Blog để cập nhật thêm những kiến thức thú vị về đầu tư mỗi ngày nhé.

Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo!

♦ Bài viết tiếp theo: Cách sử dụng Đường MACD trong chứng khoán

Bình luận bằng facebook
29

Hữu ích