huong-dan-dat-lenh-mua-ban-chung-khoan

Cách đặt lệnh mua bán chứng khoán trên VNDirect

→ Bài viết trước: Cách rút tiền từ tài khoản chứng khoán VNDirect

Thật vậy, để có thể giao dịch chứng khoán, hay nói cách khác là mua/bán cổ phiếu thì bạn cần thực hiện đặt lệnh mua/bán trên phần mềm giao dịch của Công ty Chứng khoán (nơi bạn mở tài khoản).

Vậy có những lệnh mua/bán chứng khoán nào? Cách sử dụng từng loại lệnh đó ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Các lệnh cơ bản trên VNDirect

Về cơ bản có 04 lệnh được sử dụng phổ biến nhất trên tài khoản chứng khoán VNDirect, gồm:

1. Lệnh LO (Limit Order)

2. Lệnh ATO (At The Open)

3. Lệnh ATC (At The Close)

4. Lệnh điều kiện

*Trên thực tế thì lệnh LO và lệnh điều kiện được sử dụng phổ biến hơn.

Lưu ý: Khi mới làm quen với các thao tác đặt lệnh thì bạn nên thực hiện trên máy tính để tránh bị nhầm lẫn và đảm bảo tính an toàn, sau này quen rồi thì bạn có thể đặt lệnh trên Mobile app cũng được.

Hướng dẫn chi tiết cách đặt lệnh mua bán chứng khoán trên VNDirect

Để thực hiện các thao tác đặt lệnh, bạn làm như sau:

Bước 1: Bạn đăng nhập vào tài khoản chứng khoán VNDirect của bạn theo đường link bên dưới:

Bước 2: Nhìn vào góc dưới bên trái màn hình, bạn hãy bấm vào “Đặt lệnh

cach-dat-lenh-tren-vndirect (2)

Bước 3: Nhập mã OTP. Bạn bấm vào “Nhận OTP qua SMS” mở tin nhắn được gửi đến điện thoại của bạn lên, lấy mã OTP nhập vào Bấm “Xác nhận

cach-dat-lenh-tren-vndirect (2)

Bước 4: Một hộp thoại đặt lệnh ở bên dưới hiện ra. Đây là hộp thoại để bạn thao tác đặt lệnh.

(*Cách đặt lệnh cụ thể mình sẽ hướng dẫn chi tiết ở phần bên dưới)

cach-dat-lenh-tren-vndirect (3)

Tiếp theo mình sẽ hướng dẫn bạn cách đặt từng loại lệnh cụ thể:

1. Cách đặt lệnh LO (Limit Order)

Lệnh LO (Limit Order) là lệnh giới hạn, tức bạn đặt lệnh mua bán chứng khoán ở một mức giá xác định. Lệnh sẽ khớp tại mức giá bạn đặt (hoặc giá tốt hơn). 

VD: Đặt mua 100 cổ phiếu TCB giá 14.200 đồng/cp thì sẽ khớp lệnh tại mức giá 14.200 đồng (hoặc 14.100 đồng hoặc 14.000 đồng…)

Lệnh LO có hiệu lực trong phiên khớp lệnh liên tục, tức là:

  • Giả sử có 1 lệnh đặt mua được nhập vào hệ thống, lúc này nếu có 1 lệnh đặt bán tương ứng (hoặc thấp hơn) ⇒ Lệnh sẽ khớp.
  • Ngược lại, khi có 1 lệnh đặt bán được nhập vào hệ thống, nếu có 1 lệnh đặt mua tương ứng (hoặc cao hơn) ⇒ Lệnh sẽ khớp.
  • Phiên khớp lệnh liên tục là phiên giao dịch mà các lệnh mua/bán sẽ được khớp ngay lập tức sau khi nhập vào hệ thống.

→ Xem thêm: Lệnh LO là gì? Cách đặt lệnh LO để mua bán chứng khoán

Cách đặt lệnh cụ thể:

Để đặt lệnh mua cổ phiếu bằng lệnh LO (lệnh bán cũng tương tự), bạn làm như sau:

Ví dụ: Mình muốn mua 100 cổ phiếu của TCB (Ngân hàng Techcombank). Bạn hãy quan sát hộp thoại đặt lệnh bên dưới:

cach-dat-lenh-tren-vndirect (4)

Giải thích:

(1) Là các mức: giá sàn / giá tham chiếu / giá trần của phiên giao dịch gần nhất trước đó.

(2) Chọn lệnh “Mua” hoặc “Bán”

(3) Ô nhập mã chứng khoán cần mua;

(4) Ô nhập số lượng cổ phiếu muốn mua;

(5) Chọn các loại lệnh, ví dụ chọn lệnh LO thì ghi mức giá cụ thể muốn mua.

Như ví dụ mình nhập luôn giá tham chiếu là 40.5 (tức mình muốn mua với giá 40.500 đồng/cổ phiếu)

Lưu ý: Chỉ cần nhập hàng nghìn trước dấu chấmhàng trăm sau dấu chấm (ví dụ mức giá 40.500 đồng thì chỉ nhập 40.5; 120.500 đồng thì chỉ cần nhập là 120.5; 8.900 đồng thì chỉ cần nhập là 8.9) hệ thống sẽ tự động lấy số bạn nhập để x1000 để quy ra mức giá thực tế.

(6) Nút xác nhận lệnh “MUA” (hoặc “BÁN”)

Giả sử muốn mua 100 cổ phiếu TCB ở mức giá 40.5, bạn làm theo các bước sau đây:

Bước 1: Chọn “Mua” (mục số 2)

Bước 2: Nhập mã cổ phiếu là TCB (mục số 3)

Bước 3: Nhập số lượng cổ phiếu cần mua, ví dụ muốn mua 100 cổ phiếu (mục số 4)

Bước 4: Nhập giá mua cụ thể (muốn mua giá nào thì nhập giá đó, ví dụ mình muốn mua ở mức giá 40.5 – mục số 5)

Bước 5: Bấm “MUA” để xác nhận lệnh MUA (mục số 6).

Vậy là bạn đã hoàn thành các bước đặt lệnh LO, bây giờ chỉ còn đợi lệnh khớp nữa thôi là xong!

Muốn xem trạng thái lệnh vừa đặt thì bạn hãy bấm vào “Sổ lệnh” ở bên góc dưới để theo dõi nhé!

cach-dat-lenh-tren-vndirect (6)

Ok. Như vậy là bạn đã đặt lệnh LO để mua 100 cổ phiếu TCB ở mức giá 40.5 thành công, việc còn lại là chờ lệnh được khớp mà thôi. Lệnh bán bạn cũng làm tương tự, chỉ cần thay đổi từ “MUA” → “BÁN” là được.

Một số thắc mắc của bạn đọc:

1. Vậy, lệnh sẽ khớp khi nào?

Trả lời: Lệnh sẽ khớp khi có người đặt lệnh bán TCB ở mức giá 40.5 hoặc thấp hơn 40.5

2. Khi nào nên dùng lệnh LO để mua bán chứng khoán?

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ sử dụng lệnh LO trong các trường hợp sau:

  • Khi nhà đầu tư muốn mua chứng khoán tại một mức giá xác định cụ thể.
  • Khi nhà đầu tư không có nhu cầu “mua nhanh, bán gấp” chứng khoán. Hay nói cách khác là trong điều kiện thị trường bình thường, không có tin dữ hay khủng hoảng.
  • Khi nhà đầu tư muốn chờ để mua/bán ở một mức giá tốt hơn giá hiện tại, hoặc muốn chờ mua/bán ở một mức giá an toàn.
2. Cách đặt lệnh ATO để mua bán chứng khoán

Lệnh ATO (At The Open) là lệnh đặt mua/bán chứng khoán tại mức giá mở cửa. Hay nói cách khác là mua-bán chứng khoán tại mức giá đầu phiên giao dịch.

Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh LO trong khi so khớp lệnh.

Lệnh ATO được nhập vào hệ thống giao dịch trong thời gian khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa (tức khoảng 9h00-9h15p sáng).

Xem thêm: Lệnh ATO là gì? Hướng dẫn sử dụng lệnh ATO để mua cổ phiếu

Cách đặt lệnh cụ thể:

Cách đặt lệnh ATO cũng tương tự như đặt lệnh LO, chỉ khác ở chỗ ô nhập mức giá, bạn KHÔNG cần nhập mức giá cụ thể, mà chỉ cần chọn là “ATO”  rồi bấm “MUA” (như hình) là xong!

cach-dat-lenh-tren-vndirect (5)
cach-dat-lenh-tren-vndirect (7)

Bấm vào “Sổ lệnh”bên dưới để xem trạng thái lệnh mua ATO bạn vừa đặt.

cach-dat-lenh-tren-vndirect (8)

Như vậy là bạn đã đặt thành công lệnh ATO, tiếp theo chỉ cần đợi hệ thống khớp lệnh nữa là hoàn thành lệnh mua cổ phiếu ở mức giá ATO (giá mở cửa). Lệnh bán bạn cũng làm tương tự.

Một số thắc mắc bạn đọc:

1. Thời gian khớp lệnh định kỳ là gì? Mình sẽ phân tích để bạn hiểu hơn.

– Khái niệm “khớp lệnh” trong thị trường chứng khoán được hiểu là việc thực hiện xong thỏa thuận giữa bên mua và bên bán trên bảng giao dịch điện tử trực tuyến. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa từ thứ 2 thứ 6 (trừ các ngày nghỉ lễ, tết) và giao dịch trong ngày từ 9h00 sáng đến 14h45 chiều (trong đó có thời gian nghỉ giữa phiên khoảng 1 tiếng rưỡi, từ 11h30 13h00)

Trong đó có 2 loại phiên khớp lệnh, gồm:

+ Phiên khớp lệnh định kỳ:

  • Thời gian: Diễn ra 15 phút đầu tiên (9h00-9h15) và 15 phút cuối cùng (14h30-14h45) trong một ngày giao dịch.
  • Mục đích của phiên khớp lệnh định kỳ là để xác định giá mở cửagiá đóng cửa của một ngày giao dịch.
  • Giá mở cửa/đóng cửa: được xác định là giá mà tại đó khối lượng cổ phiếu khớp lệnh là lớn nhất.

Các lệnh ATO (At-the-open) và ATC (At-the-close) sẽ được sử dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ. Đây là 2 loại lệnh chỉ có khối lượng mà không có mức giá cố định, và được ưu tiên khớp trước tất cả những loại lệnh khác.

+ Phiên khớp lệnh liên tục: Là phiên giao dịch mà các lệnh mua/bán sẽ được khớp ngay lập tức sau khi nhập vào hệ thống. 

Loại lệnh được sử dụng nhiều nhất tại phiên khớp lệnh liên tục là lệnh LO (lệnh giới hạn, limited order). Tức mua/bán tại một mức giá xác định. Khi có một lệnh đặt mua và một lệnh đặt bán tương ứng (hoặc ngược lại) thì lệnh sẽ được khớp ngay lập tức.

2. Khi nào nên dùng lệnh ATO để mua bán chứng khoán?

Lệnh ATO thường được các nhà đầu tư sử dụng trong trường hợp: Nhà đầu tư muốn tranh mua mua, tranh bán chứng khoán tại thời điểm đầu phiên giao dịch mà không quan tâm đến giá.

Ví dụ: Bạn đọc được tin tốt về cổ phiếu X (giả sử công ty phát hành cổ phiếu này công bố kết quả kinh doanh lãi đậm), bạn nhận định tin này sẽ khiến giá cổ phiếu tăng mạnh, bạn muốn ngay lập tức sở hữu cổ phiếu đó trước khi nó tăng quá mạnh, thì bạn có thể đặt lệnh mua ATO để mua cổ phiếu X bằng được ngay tại giá mở cửa phiên giao dịch

Hoặc ngược lại, bạn đọc được tin tức một công ty đang làm ăn thua lỗ, giám đốc bị bắt, mà không may bạn đang nắm giữ cổ phiếu của công ty đó, bạn muốn “thoát hàng” ngay lập tức trước khi giá cổ phiếu giảm sâu, thì lúc này bạn có thể đặt lệnh bán ATO đẻ bán bằng được cổ phiếu này ngay tại giá mở cửa phiên giao dịch.

XEM THÊM ↓↓↓

3. Cách đặt lệnh ATC để mua bán chứng khoán

Lệnh ATC (At The Close) là lệnh đặt mua/bán chứng khoán tại giá đóng cửa (tức mua tại cuối phiên giao dịch)

– Lệnh ATC được ưu tiên trước lệnh LO trong khi so khớp lệnh.

– Lệnh ATC được nhập vào hệ thống giao dịch trong thời gian khớp lệnh định kỳ (khoảng 15h00-15h30p chiều) để xác định giá đóng cửa và sẽ tự động bị hủy bỏ sau thời điểm xác định giá mở cửa nếu lệnh không được thực hiện hoặc không được thực hiện hết.

Xem thêm: Lệnh ATC là gì? Nên dùng lệnh ATC để mua bán cổ phiếu khi nào.

Cách đặt lệnh cụ thể:

 Cũng tương tự, tại ô nhập giá, bạn KHÔNG cần ghi mức giá cụ thể, mà bạn chỉ cần chọn “ATC” rồi bấm “MUA” (như hình) là xong!

cach-dat-lenh-tren-vndirect (9)

Bạn cũng bấm vào “Sổ lệnh” để theo dõi trạng thái lệnh ATC vừa đặt.

cach-dat-lenh-tren-vndirect (10)

Lệnh bán cũng làm tương tự.

Khi nào nên dùng lệnh ATC để mua bán chứng khoán?

Lệnh ATC thường được nhà đầu tư sử dụng khi muốn tranh mua, tranh bán chứng khoán tại thời điểm cuối phiên giao dịch mà không cần quan tâm đến giá.

4. Cách đặt lệnh điều kiện để mua bán chứng khoán

Lệnh điều kiện là một lệnh rất hay trong đầu tư chứng khoán, được rất nhiều nhà đầu tư rất ưa thích sử dụng, bởi nó giúp nhà đầu tư giao dịch được thảnh thơi hơn, không cần phải suốt ngày cày mặt trên bảng điện. Bạn sẽ hiểu hơn về lợi ích của lệnh điều kiện khi đọc đến bài viết này: Lệnh tự động mua bán – Kỹ thuật “bắt cá bay lên bờ” đỉnh cao!

Vậy lệnh điều kiện là gì?

Lệnh điều kiện là lệnh đặt mua-bán ở một mức giá xác định, khi giá cổ phiếu thỏa mãn một điều kiện trước đó.

Để giúp bạn hiểu hơn thì mình lấy một số ví dụ minh họa như sau:

Ví dụ 1: Qua phân tích kỹ thuật, mình nhận định nếu cổ phiếu HPG (Hòa Phát) vượt qua mức đỉnh 60.000 đồng/cp → thì nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng.

Lúc này để an toàn và chắc chắn hơn, mình sẽ đặt một lệnh MUA tại mức giá 60.100 đồng (giá khớp), nếu giá cổ phiếu HPG đạt đến 60.000 đồng (giá điều kiện).

Tức là nếu giá thị trường của HPG đạt đến mức 60.000 đồng thì lệnh mua của mình sẽ tự động được khớp ở mức giá 60.100 đồng).

Ví dụ 2: Mình đang nắm giữ cổ phiếu FLC (của tập đoàn FLC). Hiện tại một cổ phiếu FLC có giá 12.000 đồng. Do mình không có nhiều thời gian để theo dõi biến động của thị trường, nên để không phải lo lắng và suy nghĩ nhiều, mình sẽ đặt lệnh điều kiện để tự động cắt lỗ và chốt lời khi giá thỏa mãn điều kiện mà mình đặt trước như sau:

  • Chốt lời tự động: Nếu giá cổ phiếu FLC >= 16.000 đồng thì sẽ tự động khớp lệnh bán toàn bộ cổ phiếu FLC ở mức giá 15.900 đồng (mình đặt giá khớp thấp hơn một chút so với giá điều kiện để lệnh dễ khớp hơn, bạn đặt bằng giá điều kiện thì cũng được nhé!).
  • Cắt lỗ tự động: Nếu giá cổ phiếu FLC quay đầu giảm <= 10.000 đồng thì sẽ tự động khớp lệnh bán toàn bộ cổ phiếu FLC ở mức giá 9.900 đồng.

Như vậy, sau khi đặt lệnh xong, mình không cần phải lo nghĩ gì nữa, bởi lãi/lỗ đã trong tầm kiểm soát của mình cả rồi.

Ví dụ 3: Mình thấy cổ phiếu TCB đang ở đỉnh con sóng tăng tại giá 42, mình dự đoán TCB sẽ có một nhịp điều chỉnh nhẹ về giá 39, trước khi tiếp tục xu hướng tăng. Lúc này mình sẽ đặt một lệnh điều kiện mua như sau:

  • Giá khớp tại 39.5 (bạn nên đặt giá khớp mua cao hơn một chút hoặc bằng giá điều kiện thì cũng được)
  • Giá điều kiện: 39.5 

Tức là lệnh mua cổ phiếu TCB của mình sẽ khớp tại giá 39.5 khi giá cổ phiếu TCB giảm về nhỏ hơn hoặc bằng 39.5

Lưu ý: Nhằm đảm bảo lệnh của bạn được chắc chắn khớp (khi giá thỏa mãn điều kiện) thì khi bạn đặt như sau:

  • Lệnh điều kiện BÁN: thì bạn nên đặt giá khớp bán nhỏ hơn giá điều kiện một chút.
  • Ngược lại, lệnh điều kiện MUA: thì bạn nên đặt giá khớp mua lớn hơn giá điều kiện một chút.

*Bạn đặt giá khớp = giá điều kiện thì tỉ lệ khớp sẽ thấp hơn (chứ không phải không khớp nhé!)

Cách đặt lệnh cụ thể:

Như ví dụ 3, hiện tại giá cổ phiếu của TCB là 40.5, mình thấy khả năng giá sẽ điều chỉnh nhẹ về vùng giá 39, trước khi tiếp tục tăng, nên để không bị mua giá cao, mình sẽ đặt một lệnh điều kiện mua tại giá 39.5 khi giá TCB giảm về nhỏ hơn hoặc bằng 39.5.

Mình sẽ làm như sau:

cach-dat-lenh-tren-vndirect (11)

Bước 1: Tích vào “Lệnh điều kiện” (mục số 1)

Bước 2: Chọn lệnh “Mua

Bước 3: Nhập mã cổ phiếu (mục số 2)

Bước 4: Nhập số lượng cổ phiếu muốn mua (mục số 3), ví dụ mình muốn mua 100 cổ phiếu TCB

Bước 5: Nhập giá khớp (mục số 4), ví dụ mình muốn khớp ở giá 39.5

Bước 6: Chọn ngày hết hạn của lệnh (mục số 6), bạn muốn lệnh này có hiệu lực đến ngày bao nhiêu thì chọn ở đây

Bước 7: Chọn giá điều kiện và dấu điều kiện (mục số 5), mình chọn dấu “nhỏ hơn hoặc bằng” (<=), và chọn giá là 39.5

Bước 8: Bấm “MUA” để xác nhận lệnh.

Như vậy là xong! Lệnh điều kiện mua 100 cổ phiếu TCB của mình sẽ tự động khớp ở giá 39.5 khi giá cổ phiếu TCB giảm về nhỏ hơn hoặc bằng 39.5.

Điều tiện lợi của lệnh điều kiện là mình sẽ không phải canh chừng khi nào giá giảm về dưới 39.5, chỉ cần đặt lệnh như vậy và đi chơi, lệnh sẽ tự động được kích hoạt tại mức giá mình mong muốn khi giá cổ phiếu hiện tại giảm về như dự đoán. Còn nếu giá không giảm về thì thôi, lệnh sẽ không được kích hoạt, và tự hủy bỏ khi hết thời hạn.

*Bạn làm tương tự với các lệnh mua-bán khác. Tùy vào điều kiện của bạn là gì…mà đặt cho phù hợp

Để theo dõi trạng thái lệnh, hãy bấm vào “Sổ lệnh” để xem lệnh điều kiện vừa đặt.

cach-dat-lenh-tren-vndirect (12)

Khi nào nên dùng lệnh điều kiện?

  • Khi nhà đầu tư muốn đặt lệnh để chốt lời hoặc cắt lỗ một cổ phiếu đang nắm giữ
  • Khi nhà đầu tư muốn mua bán cổ phiếu ở một mốc giá nhất định để được lợi về giá hoặc giảm thiểu rủi ro khi giá không di chuyển theo hướng dự đoán

Tóm lại, lệnh điều kiện là một lệnh rất hay mà mình thường xuyên sử dụng trong việc mua bán chứng khoán.

Lời kết

Đặt lệnh mua bán chứng khoán là một thao tác tối quan trọng. Việc lựa chọn loại lệnh phù hợp theo từng chiến lược đầu tư không chỉ giúp bạn tối ưu hóa lợi nhuận mà còn giúp phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động mạnh. Vì vậy, bạn hãy nắm thật vững thao tác này.

Ok. Tổng kết lại một chút về những kiến thức liên quan đến tài khoản chứng khoán, gồm:

Bài viết tiếp theo sẽ hướng dẫn bạn cách xem bảng giá cổ phiếu trực tuyến, giới thiệu đến bạn những địa chỉ xem giá cổ phiếu chính xác và uy tín nhất. Đừng bỏ lỡ nhé!

Bài viết tiếp theo: Xem giá cổ phiếu ở đâu tốt ? Cách xem giá cổ phiếu trực tuyến

PhoWallViet.vn không phải là Blog tốt nhất, nhưng luôn nỗ lực và cải thiện

để không ngừng phục vụ khán giả tốt hơn mỗi ngày.

XEM THÊM ↓↓↓

Hữu ích

  1. Pingback: Dải Bollinger là gì? - Tuyệt chiêu “Rồng phun lửa” trong chứng khoán - Phố Wall Việt 19/08/2021
  2. Pingback: Biểu đồ “siêu lợi nhuận” - Lý thuyết “Vỡ hộp” Darvas - Phố Wall Việt 25/08/2021